Gốm sứ là nét văn hóa của nhiều nước trên thế giới và với Việt
nam, nghề gốm sứ cũng đã xuất hiện khá lâu đời từ vạn năm trước đây. Ở Việt Nam
có rất nhiều làng nghề gốm sứ trong đó có làng nghề gốm sứ lừng danh Bát Tràng
với bề dầy lịch sử hơn 700 năm. Làng gốm Bát Tràng đã góp phần vào sự phát triển
lịch sử đất nước nói chung và nền gốm sứ nước nhà nói riêng.
Thời tiền sử: những sản phẩm đất nung được phát hiện cho thấy
ở giai đoạn đầu thường thô có pha lẫn cát hoặc các tạp chất khác, được nặn bằng
tay, hoa văn đơn giản ở phía ngoài như các vạch chéo, vân sóng, vân chải răng
lược... Các hoa văn này được tạo ra khi sản phẩm còn ướt, một số được tạo bằng
bàn dập hoặc dùng que nhọn để vẽ, vạch.
Các nhà chuyên môn cho rằng trong suốt thời gian dài, từ lúc
phát minh ra đồ gốm tới đầu thời kỳ đồ đồng, phần lớn gốm được hình thành bởi
bàn tay của phụ nữ (vân tay để lại trên sản phẩm cho thấy điều đó); được nung
ngoài trời, nhiệt độ thường dưới 700ºC. Các sản phẩm gốm thời kỳ này là đồ đựng,
đồ đun nấu, về cuối ta thấy xuất hiện thêm các loại đồ dùng để ăn uống, trang sức.
Thời kỳ đồ đồng: ở Việt Nam (cách đây 4 nghìn năm), hầu hết các sản phẩm gốm được
hình thành bằng bàn xoay một cách khá thành thạo, do vậy tạo nên sự phong phú về
chủng loại và kiểu dáng sản phẩm: ngoài các sản phẩm đun nấu còn thấy những sản
phẩm gốm để chứa đựng, dụng cụ ăn uống, trang sức, công cụ lao động và gốm mỹ
thuật. Về trang trí, gốm đất nung chủ yếu có các hoa văn hình hoạ, nét chìm là
chính. Một số sản phẩm được xoa một lớp áo bằng nước đất khác màu nhưng chưa phải
men. Các hoa văn trang trí và cách tạo dáng của gốm giai đoạn này có ảnh hưởng
đến tạo dáng và trang trí trên đồ đồng cùng thời. Thời đại đồ sắt: gốm đất nung
được sản xuất hầu như khắp các vùng trong nước. Chất lượng gốm còn non lửa và vẫn
thô sơ nhưng về tạo dáng và trang trí thì chưa có thời kỳ nào đặc sắc và phong
phú bằng. Hiện vật thời kỳ này cho thấy nghề gốm vẫn gắn bó với nghề nông nhưng
nam giới đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất. Đến thế kỷ 2 trước
Công nguyên Việt Nam bị rơi vào ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Nghề gốm
tiếp tục phát triển trên vốn kinh nghiệm cổ truyền, có tiếp thu ảnh hưởng của gốm
Trung Hoa. Về chủng loại sản phẩm, xuất hiện thêm loại gốm kiến trúc như gạch,
ngói. Ngoài ra còn có các tượng động vật nhỏ như lợn, bò với kiểu nặn sơ sài.
Phong cách gốm thời kỳ này mang phong cách Hán hoặc kết hợp hoa văn Việt và hoa
văn Hán. Nhiều sản phẩm gốm Hán khác được cải biên theo phong cách Việt. Thời
Lý - Trần: thế kỷ 10 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam. Thời kỳ phục hồi
độc lập dân tộc sau hơn mười thế kỷ đô hộ của phong kiến Trung Hoa. Suốt bốn thế
kỷ, từ nhà Lý sang nhà Trần, đồ gốm đạt được những thành tựu rực rỡ. Quy mô sản
xuất, chủng loại sản phẩm, chất liệu... đều được mở rộng. Nhiều loại men được ứng
dụng và ổn định về công nghệ. Đặc biệt men trắng cũng xuất hiện ở thời kỳ này
ngoài men tro và men đất. Ba yếu tố cơ bản tạo nên vẻ đẹp của đồ gốm là hình
dáng, hoa văn trang trí, men màu. Sự phát triển của kỹ thuật và trình độ thẩm mỹ
cao đã tạo nên sản phẩm gốm thời kỳ này có ba loại nổi tiếng là gốm men trắng
ngà chạm đắp nổi, gốm hoa nâu, gốm men ngọc. Về tạo dáng gốm Lý - Trần ngoài những
hình mẫu trong thiên nhiên như hoa, quả là cách tạo dáng của những đồ đồng trước
đó. Trang trí trên gốm Lý - Trần, hoa văn hình học chiếm vị trí phụ. Những hoạ
tiết chính ở đây là hoa lá, chim, thú, người. Hoa văn trang trí với cách miêu tả
giản dị, mộc mạc rất gần gũi với thiên nhiên và con người Việt Nam. Một đặc điểm
nữa là nét chìm được làm "bè" ra, một bên rõ cạnh, một bên biến dần
vào sản phẩm, làm chỗ chảy dồn men, tạo nên độ đậm nhạt cho hoạ tiết như trên gốm
men ngọc hoặc làm giới hạn để tô nâu. Về kỹ thuật, lò nung cho gốm thời Lý - Trần
có một bước tiến lớn như việc sử dụng các lò cóc, lò nằm, có khi cả lò rồng để
nâng nhiệt độ nung cho sản phẩm lên đến 1200ºC – 1280ºC. Việc sử dụng bao nung
và kỹ thuật nung chồng bằng con kê (lòng dong) được ứng dụng rộng rãi đối với
nhiều loại sản phẩm đã cho thấy đạt trình độ sản xuất gốm cao cấp, nhất là gốm
men ngọc. Nhiều địa phương sản xuất gốm ở Thanh Hoá, Hà Nội, vùng Nam Định...
chứng tỏ sự hình thành gốm tập trung và mang tính chuyên nghiệp. Gốm Lý - Trần
đã tạo nên sự chuyển hoá bước đầu giữa yêu cầu sử dụng với chất liệu. Điều này
nó thể hiện bước tiến bộ về mặt kỹ thuật và nghệ thuật, phản ánh tư tưởng duy
lý trong quá trình sáng tạo gốm và ứng dụng nó vào đời sống một cách tốt đẹp nhất,
phù hợp nhất. Sau thế kỷ 14: nhiều trung tâm sản xuất gốm chuyên môn hoá nổi tiếng
như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh, Hàm Rồng, Mỹ Thiện, Phú Vinh... chứng
tỏ sức sống mạnh mẽ của nghề. Nhiều sản phẩm gốm ghi lại địa phương, ngày tháng
và người sáng tạo ra nó. Nhiều quốc gia đã nhập gốm từ Việt Nam, đặc biệt thợ
giỏi của Nhật Bản còn bắt chước gốm của Việt Nam. Tiêu biểu cho kỹ thuật và nghệ
thuật gốm Việt Nam thời kỳ này là gốm hoa lam; gốm chạm đắp nổi tinh tế, có bản
sắc riêng. Ngoài ra còn có loại gốm vẽ men mà người Nhật thời đó trong trà đạo
rất ưa chuộng, gọi là "Hồng An Nam". Về kỹ thuật, các loại lò rồng cỡ
lớn đã được sử dụng khá rộng rãi, nhiệt độ và chế độ nung, điều khiển lửa một
cách chủ động. Loại men tro trấu, tro cây được dùng nhiều. Kỹ thuật vẽ hoa đã đạt
tới trình độ thành thục, nét trang trí phóng bút mang nhiều chất hội hoạ. Đến
thời Gia Long (đầu thế kỷ 19), nghề gốm có dấu hiệu xuống dốc bởi việc nhập gốm
từ Trung Hoa theo các đơn đặt hàng của triều đình Huế. Một vài cơ sở sản xuất gốm
ở Biên Hoà, Lái Thiêu đã phát triển một loại gốm men lửa trung (thường gọi là gốm
Biên Hoà) được sử dụng khá rộng rãi ở các địa phương lân cận. Đầu thế kỷ 20, ở
miền Bắc, một vài cơ sở đã nhập thiết bị từ nước ngoài và nghiên cứu sản xuất đồ
sứ, nhưng kết quả không đáng kể. Trong những năm chiến tranh chống Pháp và chống
Mỹ, người Việt Nam không có điều kiện để phát triển nghề thủ công nói chung và
nghề gốm nói riêng. Nghề gốm bị sa sút và có lúc tưởng chừng bị mất nghề. Sau
ngày đất nước thống nhất, hầu hết các nghề thủ công được hồi sinh, trong đó nghề
gốm là một nghề đã được khôi phục và phát triển rất nhanh. Nhiều trung tâm gốm
trở lại hoạt động sôi nổi và rất năng động như Bát Tràng, Đông Triều, Phù Lãng,
Biên Hoà... May mắn thay, các lớp nghệ nhân cũ vẫn còn và các lớp nghệ nhân mới
đang xuất hiện. Sản phẩm gốm của Việt Nam từ lâu đã là một mặt hàng xuất khẩu
có giá trị cao và hôm nay nó còn là một mặt hàng lưu niệm không thể thiếu đối với
nhiều du khách gần xa.
Thông tin thêm về lịch sử gốm sứ cổ truyền
Reviewed by đức cảnh
on
tháng 11 22, 2017
Rating: