Từ sáng tinh mơ từng đoàn người lao động từ khắp nơi đổ về Bát
Tràng (Hà Nội), bắt đầu cho một ngày làm việc lao động vất vả. Hầu hết họ đều
làm việc chân tay, làm những công việc nặng nhọc để kiếm tiền mưu sinh tại làng
gốm bát tràng lừng danh.
“Chợ người” ở Bát Tràng
Mấy chục năm nay ngày nào, mùa nào, tháng nào chợ cũng nhộn
nhịp. Hôm nay tôi cũng vác balô trên vai, chụp cái mũ rộng vành lên đầu, hòa
vào “chợ người” Bát Tràng để tìm việc.
Chuyên nghiệp
4g30 sáng. Những “đồng nghiệp” của tôi đứng ngồi chen chúc.
Đàn ông thì phì phèo thuốc lá, phụ nữ thì khăn bịt kín mặt, kín đầu vừa chờ người
“thuê mua” vừa nói chuyện con gà con qué, chuyện công việc làm ăn ở nhà.
Chừng 5g sáng, những người thuê lao động của xã Bát Tràng bắt
đầu thong thả đến thuê người. “Cần hai vào lò, công 80.000 đồng, có ai đi
không?”; “Cần ba dỡ lò khỏe mạnh, 100.000 đồng/người; hai dọn dẹp 70.000 đồng/người”...
Hai, ba người đang ngồi đứng phắt lên: “Trả thêm đi!”. Cuộc ngã giá chóng vánh
và tốp người theo chủ đi nhanh.
6g, người đổ về chợ càng nhiều. Người thuê nhanh chóng tìm
được người làm. Kẻ đến người đi tấp nập. Ước chừng hôm nay có khoảng 400 người
có mặt ở chợ. Đông đúc nhưng trật tự hiếm thấy. Người mua xướng công việc cần
làm. Người bán nói số tiền công phải trả. Có hàng tỉ việc được xướng lên. Không
có cảnh tranh mua tranh bán, không có chuyện cãi vã về tiền công. Mỗi người lao
động đều biết làm chuyên từng việc trong cả trăm thứ việc mà làng gốm Bát Tràng cần.
Tôi chen vào ngồi giữa nhóm những chị phụ nữ luống tuổi, chường
cái mặt mình ra đường.
Nhưng không có ai thuê tôi cả.
Mạnh dạn tôi đứng lên. Một bà đi thuê người đã thẳng thừng:
“Móng tay cô dài thế kia làm được gì, có đi nắm than thì cũng vụng! Ngữ này chỉ
bảo cho hết ngày...”.
Một chị lao động an ủi: “Chắc là công nhân bị thất nghiệp phải
không?”. Tôi bèn vâng, “em làm may, thất nghiệp!”. “Đấy, biết ngay mà. Dạo này
kinh tế suy thoái, công nhân ở các khu công nghiệp đổ về chợ này đông lắm. Ở
đây có nhiều việc để làm nhưng phải biết làm cơ. Mới như cô người ta chưa quen
mặt thì xin việc khó đấy”.
Gần 8g sáng. Chợ đã vãn người.
Chả ai thuê tôi cả.
Gặp một người đi thuê thợ dỡ lò. Người ta khinh khỉnh nhìn,
hỏi tôi làm được gì, tôi nói tôi biết vẽ. Biết vẽ gì? “Vẽ gì cũng được. Cái gì
cũng biết vẽ. Vì trước đây tôi đã học qua mỹ thuật” - tôi bịa thế.
Những người phụ nữ ngồi cạnh tôi ồ à: “Thế mà không nói sớm,
nếu nói sớm có phải có việc làm rồi không. Thợ vẽ được trả công cao lắm đấy, lại
dễ kiếm việc”.
Chưa đầy 10 phút sau đã có năm người muốn thuê tôi vẽ, lương
trả theo sản phẩm. Tuy nhiên, khi nhiều người hỏi quá tôi đành phải nói thật...
Thợ lành nghề
Một nhóm chị em vận rủi đã ngồi lại cùng tôi đến vãn chợ. Một
chị cho biết không thể kể được có tất cả bao nhiêu đầu việc mà người ta cần đến
thợ. Tất tần tật những công việc làm gốm đều thuê thợ, từ trộn, nắm than, phơi,
xếp than vào lò, dọn lò, đổ rót sản phẩm, phơi đến sửa sản phẩm, chuốt, vẽ hoa
văn, nhúng men, đưa sản phẩm vào lò, sắp xếp, rồi dỡ sản phẩm ra lò... đều do
thợ làm. Trong cả trăm việc không tên ấy chỉ có mỗi việc vẽ và chuốt sản phẩm
là có vẻ sang trọng hơn cả.
Chị Trần Thị Hoan (Gia Lâm), một phụ nữ 47 tuổi đã có 25 năm
làm thuê ở Bát Tràng, cho biết: gia đình chị làm nông nghiệp, cả làng đều đến
Bát Tràng làm thuê những lúc nông nhàn. Những công việc ở đây không ai dạy mà
thường thì người mới phải đi theo một người đã quen công việc để học. Tuy
nhiên, với những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hơn: vẽ, chuốt, nặn... cũng có
những ông chủ thức thời kịp mở những khóa học nghề cấp tốc trong vòng ba tháng
với học phí 3 triệu đồng/khóa.
Mặc dù là lao động phổ thông nhưng hầu hết họ đều là thợ
lành nghề. Người chuyên đổ rót, người chuyên in, người chuyên vẽ... Có sức khỏe
hơn thì phụ lò, dọn lò và gánh hàng, không thạo việc khó thể làm được. Chợ nhóm
cả ngày, nếu không được buổi sáng thì đầu giờ chiều vẫn còn cơ hội. Một thợ phụ
làm việc chăm chỉ và quen việc một tháng cũng có thể thu nhập 1,3-2,5 triệu đồng.
Thợ phụ có mức thù lao cao nhất là thợ vẽ, có người được trả đến 180.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, đó là những thợ đặc biệt, có hoa tay và vẽ được bất cứ thứ gì chủ lò
yêu cầu.
Rủi ro nghề nghiệp
Nhiều người nhờ bán sức lao động mà có cái ăn cái mặc. Nhưng
không chỉ toàn những điều cầu được ước thấy. “Cơ bản chủ là những người tốt.
Nhưng cũng có vài người gian dối, luôn tìm cách bóc lột, ăn quỵt tiền công của
người lao động, hoặc vô trách nhiệm với nhân công khi có những sự cố sập lò, té
ngã và hàng tỉ tai nạn khác. Chẳng ai có bảo hiểm cả. Có khi chủ lò cần gấp sản
phẩm để bán mà lò chưa kịp nguội vẫn buộc bốc sản phẩm, thế là có trường hợp bị
bỏng, bị sốc khí trong lò...” - chị Hoan cho biết. Chị Nguyễn Thị Thanh (quê
Hưng Yên) nói có những người chủ chỉ rình thuê những người mới để ăn chặn tiền.
Và ở cái chợ này, ai từng bị ăn chặn, bao nhiêu, nhà nào hay
quỵt, nhà nào tốt... những người thợ đều phổ biến cho nhau “để tránh không gặp
phải kẻ lừa đảo, vì chúng tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt, khổ lắm”, một chị nói.
Dòng người lao động đổ về Bát Tràng vào sáng sớm tinh mơ
Reviewed by đức cảnh
on
tháng 11 14, 2017
Rating: