Đến với Bát tràng, chúng ta có thể thưởng thức 1 hương vị
trà rất riêng ở nơi đây, đó là chè hột hay còn gọi là chè hột hoa sói, nhiều
người còn gọi nó là chè nụ bời vì chè có ngon thì nụ chè sẽ to và đều và khi
pha trà nước chè ra màu vàng thì mới là chè ngon.
Sau khi đã chọn được chè, tiếp tục chọn hoa sói. Khác với
hoa nhài, hoa sói có hương thơm mát dịu, gần giống như hoa ngâu. Bông hoa sói
màu trắng, hoa chỉ nhỏ bằng hạt gạo. Chọn những bông hoa tươi, trắng đem ướp với
chè. Đặt hoa sói vào những chiếc mâm hoặc những chiếc mẹt đan bằng tre sau đó
trải đều một lớp chè lên trên rồi đem phơi dưới nắng. Dưới tác động của nhiệt độ,
chè và hoa cùng khô, hương thơm của hoa sẽ thẩm thấu vào từng nụ chè. Sau khi
phơi khoảng 2,3 nắng bốc chè đựng trong những hũ gốm, đậy chặt để chè không hút
ẩm.
Pha trà
Mỗi lần pha trà, tráng ấm bằng nước nóng già, cho vào ấm một
vốc trà, đổ thêm ít nước nóng rồi tráng một lần nữa (động tác rửa chè). Cuối
cùng tùy theo lượng nước định uống mà rót nước vào ấm.
Ấm chè hột ngon là ấm chè không đặc quá mà cũng không loãng
quá vì nếu quá đặc thì sẽ rất chát. Chè hạt có tính mát, có thể uống cả ngày mà
không sợ mất ngủ như chè búp. Ngon nhất là chè được pha bằng nước mưa. Xưa kia
vào mùa khô chè còn được pha bằng nước sông Hồng đánh phèn lắng sạch. Ấm chè hạt
thường được ủ nóng bằng bao ấm (giỏ ấm).
Bao ấm Bát Tràng được nhiều người dù là khó tính nhất cũng
phải ngợi khen tấm tắc. Bao ấm được làm trong một gia đình có nghề cha truyền
con nối. Ai đã từng sống ở Bát Tràng những năm 80 về trước hẳn sẽ biết đến danh
tiếng cụ Mỳ. Giờ cụ đã mất và truyền nghề cho con trai. Những chiếc bao ấm cầu
kì, chắc nịch trong đệm bằng bông lèn chặt rồi được phủ một lớp vải nhung. Vỏ
bao ấm được làm bằng chất liệu giang và gỗ. Thân bao được bện bằng những sợi
mây vót nhỏ. Chẳng phải nói ngoa, một bao ấm dùng suốt đời người cũng không thể
hỏng, để hoàn thiện một chiếc bao ấm cũng mất hơn một tuần lễ miệt mài đan đan
vót vót bởi vậy giá thành tương đối mắc. Tuy vậy hiểu được giá trị và độ bền của
những chiếc bao ấm ngày càng có nhiều người tìm về chợ Gốm Bát Tràng đặt mua.
Chè Hột - Nét văn hóa riêng của người Bát Tràng
Reviewed by đức cảnh
on
tháng 11 14, 2017
Rating: